Các nước trên thế giới đang đối phó với đại dịch bằng những chính sách với tốc độ và quy mô chưa từng có tiền tệ. Theo thống kê của CNN , tổng giá trị các cam kết của chính phủ và ngân hàng trung ương toàn cầu đến nay đã vào khoảng 7.000 tỷ USD. Con số này bao gồm chi tiêu chính phủ, bảo lãnh cho vay, giãn thuế, cũng như chính sách kích thích tiền tệ của các ngân hàng trung ương thông qua mua lại tài sản. Mức độ này đã vượt xa thời khủng hoảng tài chính 2008.
Lần cuối cùng tăng trưởng kinh tế toàn cầu chịu sức ép lớn thế này trong thời bình là năm 1938, Chetan Ahya – kinh tế trưởng tại Morgan Stanley cho biết. Trong cuộc họp hôm thứ năm, lãnh đạo các nước G20 cũng khẳng định sẽ "làm tất cả những gì có thể" để giảm thiểu thiệt hại kinh tế từ đại dịch và khôi phục tăng trưởng toàn cầu.
"Quy mô của các chính sách lần này sẽ đưa kinh tế toàn cầu về đúng quỹ đạo, đồng thời tạo ra nền tảng vững mạnh để bảo vệ việc làm và tăng trưởng toàn cầu", các lãnh đạo cho biết trong thông báo chung. G20 cam kết bơm 5.000 tỷ USD để kích thích kinh tế thế giới.
Một người vô gia cư sang đường tại Quảng trường Thời đại vắng vẻ ở New York (Mỹ). Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, các nhà kinh tế học lo ngại nó thậm chí vẫn chưa đủ nếu tình hình hiện tại kéo dài qua tháng 6. "Gói 2.000 tỷ USD của Mỹ có thể chỉ là con số tối thiểu để bù đắp sự sụt giảm hiện tại từ Biên phiên dịch đại dịch", Joseph Song – nhà kinh tế học tại Bank of America cho biết hôm thứ năm, "Nền kinh tế có thể cần đến gần 3.000 tỷ USD kích thích tài khóa, nếu không muốn nói là hơn".
Bên cạnh đó, dù trợ cấp thất nghiệp và phát tiền cho người dân đã là hỗ trợ tài chính đáng kể, nền kinh tế sẽ không thể hồi phục cho đến khi các quán bar và nhà hàng mở cửa, mọi người quay lại làm việc và đi du lịch. Mà kể cả đến lúc đó, mọi thứ cũng sẽ mất thêm thời gian nữa mới quay lại bình thường, như những gì đang diễn ra tại Trung Quốc.
Dưới đây là những gì chính phủ và ngân hàng trung ương các nước đã thực hiện để hỗ trợ nền kinh tế.
Mỹ
Cách đây vài giờ, Tổng thống Mỹ đã ký duyệt gói trợ cấp kinh tế trị giá 2.200 tỷ USD . Gói này đã được thông qua tại Quốc hội Mỹ trước đó.
Đây là gói kích thích lớn nhất lịch sử nước này. Trong đó gồm 500 tỷ USD hỗ trợ các ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng, 290 tỷ USD chi trả trực tiếp cho hộ gia đình, 350 tỷ USD cho vay doanh nghiệp nhỏ, 250 tỷ USD mở rộng trợ cấp thất nghiệp và ít nhất 100 tỷ USD cho các bệnh viện và hệ thống y tế.
Trước đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua chi hơn 112 tỷ USD để tăng tốc nghiên cứu vaccine Covid-19 và cung cấp 2 tuần nghỉ trả lương cho những người phải xét nghiệm hoặc chữa Covid-19.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng đã tung hàng loạt kích thích tiền tệ trong những ngày gần đây. Họ ban đầu cam kết mua lại 700 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ và chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS). Nhưng giờ, kế hoạch này không còn giới hạn nào nữa cả. Fed cũng hỗ trợ thêm 300 tỷ USD vốn vay mới để duy trì dòng chảy tín dụng cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Anh
Chính phủ Anh đã công bố 330 tỷ bảng (397 tỷ USD) bảo lãnh vay vốn và hoãn nộp thuế cho các doanh nghiệp trong nước ngành bán lẻ, du lịch – khách sạn và giải trí trong 12 tháng. Họ cũng trả 80% lương cho người lao động trong ít nhất 3 tháng tới, tối đa 2.500 bảng một tháng. Chính sách này hiện chưa rõ sẽ tiêu tốn bao nhiêu.
Thêm vào đó, chính phủ Anh hôm thứ năm cam kết cấp cho lao động tự do số tiền mặt tương đương 80% lợi nhuận trung bình hàng tháng của họ, tối đa 2.500 bảng một tháng trong quý tới.
Ngân hàng trung ương Anh cũng sẽ tăng mua 200 tỷ bảng trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp.
Liên minh châu Âu
Các nền kinh tế hàng đầu châu Âu đều đã tung những gói kích thích khổng lồ đề ngăn nền kinh tế vốn đã mong manh tiếp tục rơi tự do. Đức công bố gói giải cứu trị giá 750 tỷ euro (825 tỷ USD), gồm các biện pháp kích thích cho vay doanh nghiệp và mua cổ phần trực tiếp trong các công ty.
Pháp chấp thuận 45 tỷ euro hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và người thất nghiệp. Họ cũng bảo lãnh 300 tỷ euro cho các doanh nghiệp đi vay.
Italy bật đèn xanh cho 25 tỷ euro hỗ trợ người lao động và hệ thống y tế trong nước. Còn Tây Ban Nha tung gói kích thích 220 tỷ euro.
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) thì cho biết sẽ chi 750 tỷ euro mua lại trái phiếu chính phủ và các loại chứng khoán tư nhân khác đến hết năm nay. Họ khẳng định sẽ làm nhiều hơn nếu cần thiết. Trước đó, họ đã tăng quy mô chương trình mua lại tài sản thêm 120 tỷ euro .
Trung Quốc
Đến nay, Trung Quốc đã công bố ít nhất 117 tỷ nhân dân tệ (16,4 tỷ USD) hỗ trợ tài chính và kích thích kinh tế, cộng với 800 tỷ nhân dân tệ giảm thuế phí. Tuy nhiên, nếu cần thiết, quốc gia này rất có thể chi tới hàng nghìn tỷ USD và vay số tiền khổng lồ để củng cố nền kinh tế.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc thì đã áp dụng hàng loạt chính sách nới lỏng , bơm ra ít nhất 1.150 tỷ nhân dân tệ để giúp doanh nghiệp đối phó đại dịch.
Nhật Bản
Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc gói kích thích có quy mô 30.000 tỷ yen (274,2 tỷ USD), gồm phát tiền cho người dân và cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản thì thông báo sẽ tăng quy mô mua chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục (ETF) thêm 6.000 tỷ yen (55 tỷ USD), tăng mua chứng chỉ quỹ tín thác đầu tư bất động sản thêm 90 tỷ yen. Họ cũng nâng hạn mức mua lại thương phiếu và trái phiếu doanh nghiệp thêm 2.000 tỷ yen.
Ấn Độ
Chính phủ Ấn Độ đã thông báo gói giải cứu trị giá 22,6 tỷ USD chỉ 36 giờ sau khi phong tỏa toàn quốc. Gói này gồm hỗ trợ lương thực, chăm sóc y tế và trợ cấp cho người lao động.
Hà Thu (theo CNN, Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét